Công việc đam mê này các bạn chọn bắt đầu từ đâu?
Ngọc Loan: khởi nghiệp là một nhân viên thiết kế, tôi được gọi bổ sung nhân sự cho một dự án thiếu người. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau chương trình đó, khi sếp đề nghị chuyển hẳn sang bộ phận dự án, tôi đồng ý ngay vì nhận thấy đó sẽ là cơ hội tốt để tôi học hỏi và vì “sự kiện” là một sản phẩm hoàn hảo được kết tinh bởi nhiều yếu tố: đam mê, sáng tạo, tinh thần đồng đội, cùng với những hiểu biết về văn hoá, nghệ thuật… Tôi cũng là người có nhiều đam mê như thế.
Bích Ngọc: Mới ra trường, được một người chị (mà bây giờ đang là Giám đốc của mình) dẫn dắt đến các sự kiện và bị cuốn hút. Sau những lần đó, Ngọc đã có một quyết định khiến gia đình bất ngờ, không đi theo con đường đã học, bắt đầu tìm hiểu những gì liên quan đến event và muốn được sống với công việc này. Đến bây giờ event vẫn là niềm say mê và Ngọc chưa bao giờ nghĩ đến từ “tiếc nuối”.
Kim Khuê: Dự định chọn nghề này mơ hồ hình thành từ khi còn rất bé. Nhà Khuê khi đó có một xưởng bánh mè xửng nổi tiếng ở Phú Yên. Mình máu cạnh tranh nên thường nghĩ cách quân sư cho cha mẹ để làm sao “nổi” hơn xưởng bên cạnh. Khi lớn lên ngành quảng cáo và event dường như mang trọn say mê đó, thế là mình chọn nghề này.
Có người nói làm Event dễ, có người lại nói làm event khó, ý kiến của bạn thế nào?
Bích Ngọc: Khó! Sáng tạo chỉ là cái mở màn. Để sự sáng tạo đó đến được với mọi người và được công nhận thì cần phải hoàn hào trong khâu thực hiện. Mỗi sự hoàn hảo là mục tiêu để vươn tới. Một trong những kinh nghiệm giúp đạt tới hoàn thiện chính mình là phải ghi nhớ thật cụ thể và chi tiết tất cả những đều cần làm. Trong tay luôn phải có một checklist (bảng danh danh mục công việc cần làm) để nắm bắt tình trạng công việc và thời gian hoàn tất. Không bao giờ chủ quan rằng chọn bài hát làm nhạc dạo đầu cho chương trình là việc vặt, một lẵng hoa cho bàn tiếp tân chỉ là chuyện nhỏ… Kỹ càng, chi tiết ở những việc nhỏ nhất đưa bạn tiến gần đến sự hoàn hảo hơn. Như vậy, nghề này không dễ đối với người không chi tiết rồi.
Kim Khuê: Khó! Để nhũng ý tưởng trừu tượng được biến hoá thành sự thật, cần pahỉ có một “ê kíp” teamwork kết hợp nhuần nhuyễn trong các khâu như ý tưởng, thiế kế và sản xuất… Muốn học làm event, trước tiên phải học sự nhẫn nại và vị tha nữa.
Ngọc Loan: Phải nhạy bén! Ngoài việc cần checklist, project timeline (bảng tiến độ công việc), tôi còn nghĩ đến các phương án quản lý rủi ro, để có thể giải quyết những sự cố xảy ra an toàn, nhanh chóng nhất.
Vậy cái khó nhất của các bạn là gì?
Bích Ngọc: Một trong những điều khiến mình lo ngại nhất mỗi khi thực hiện một sự kiện là đến giờ phút chót các công ty cung ứng dịch vụ không hoàn thành công việc. Những lúc như thế, mọi sự thay đổi có thể làm “gãy gánh” nên chương trình cần làm là thương lượng bằng mọi cách, kể cả xắn tay cùng làm để họ nhận thấy sự quan trọng và dốc hết sức cho chương trình của mình.
Ngọc Loan và Kim Khuê: Vấn đề thời gian là khó khăn mà chúnh tôi thường hay gặp. Có một số chương trình cộng đồng rất lớn diễn ra cùng lúc tại nhiều thành phố, chúng tôi đã nhận từ khách hàng trước 2, 3 tháng, nhưng thường xuyên bị thay đổi và đến khi chốt lại thì thời gian đến ngày diễn ra sự kiện chỉ còn vỏn vẹn chỉ từ 7-10 ngày. Lắp đặt thi công đã chiếm từ 3-4 ngày. Chúng tôi phải cật lực làm việc bất kể thời gian, có những đêm thức trắng liên tục để làm việc, lắp đặt, thi công, trang trí… cho kịp tiến độ.
Kể một sự cố để các 8X thấy thú vị với nghề được không?
Bích Ngọc và Ngọc Loan: Nhiều lắm. bạn nào thích nghe, liên hệ với mình, sẽ kể cho nghe cả buổi không hết được.
Kim Khuê: Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất đó là lần tôi làm chương trình ra mắt sản phẩm “Fly the E 280” của Mercedes Benz Việt Nam tại Hà Nội. 12 giờ khuya, khi bộ phận máy chiếu dàn dựng, chúng tôi phát hiện ra hình ảnh chiếu trên sân khấu (5m cao và 16m ngang) không được phủ đầy vì còn thiếu một thiết bị xử lý nhỏ mà ở Hà Nội không thể có. Thời gian không chờ đợi, đã 4 giờ sáng chúng tôi quyết định đánh thức một bạn đồng nghiệp mang thiết bị ấy ra Hà Nội cho chuyến bay 7 giờ sáng. Mọi chuyện cuối cùng tốt đẹp, còn chúng tôi thì vui lắm và quên đi mệt mỏi sau một đêm thức trắng vì cuối cùng mọi nổ lực của chúng tôi cũng được đáp trả bằng sự kiện thành công.
Đã sống và say mê với nghề, các bạn có đúc kết gì không?
Bích Ngọc: Để sống với nghề này bạn phải là người có óc sáng tạo và là người có công việc, vì việc thức 4- 5 giờ để dựng chương trình và tiếp tục chạy chương trình vào lúc 7 giờ sáng là điều rất bình thường. Hãy biết nhìn những gì đang diễn ra trong cuộc sống, những gì mà người khác đang làm, những event đã được tổ chức và ghi lại những cảm nhận của mình, điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tìm kiếm những ý tưởng độc đáo và phù hợp.
Ngọc Loan: Nếu bạn yêu thích làm event, có nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng lại không có tin thần đồng đội để sẳn sàng hỗ trợ khi đồng nghiệp cần thì sở thích đó không còn đúng nghĩa. Hoặc nếu đơn giản chỉ là yêu thích, mà không có sự xả thân hết mình vì công việc, ngại khó…thì điều đó chưa đạt đến sự đam mê.
Kim Khuê: Theo óc tổ chức và quyết đoán là yếu tố quan trọng nhất để làm tốt công việc “tổ chức sự kiện”. Dám ước mơ, dám làm và tin mình sẽ làm được là lời khuyên của tôi dành cho các bạn. Một khi bạn “máu lửa”cùng những ước mơ hoài bảo của mình, bạn sẽ đạt được nó.
Mỗi người góp một ý, event là đất chỉ dành cho những người biết sống với đam mê và chấp nhận vượt núi cao. Tuy nhiên, phần thưởng sau đó của họ là gì?. Đó là những lời khen của khách hàng, sự hoài lòng của người tham dự đáng giá tốt của cộng đồng. Có phải họ là những người luôn chạy theo những phần thưởng không mang hình vuông vức!